Nước đá viên ngoài hàng trong veo, ở nhà thì trắng đục – nhìn thấy suốt nhưng mấy ai biết vì sao?
12/11/2021
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy rằng, những viên đá từ tủ lạnh nhà chúng ta thường trắng đục, trong khi tại các quán nước hay nhà hàng thì lại là những viên đá trong suốt.
Vì sao thế nhỉ?
Nguyên nhân đầu tiên ai cũng dễ dàng nghĩ đến đó là chất lượng nước để tạo ra những viên đá này. Tuy nhiên đây không phải là câu trả lời đầy đủ.
Thực tế, kể cả nước cất và nước đun sôi đều chứa rất nhiều tạp chất khác nhau, không chỉ là vi trùng hay vi khuẩn mà còn các chất hóa học như nitrat, florua và yếu tố hữu cơ khác.
Bạn không cần phải lo lắng vì phần lớn những tạp chất này không gây hại đến sức khỏe chúng ta. Ngược lại, một số chất như canxi hay magie lại có lợi cho sức khỏe.
Ở nhiệt độ phòng, các tạp chất này hòa tan trong nước, mắt thường không thể nhìn thấy được.
Khi để nước vào tủ lạnh, các tạp chất vốn được hòa tan trong nước bị tách ra riêng biệt với nước tinh khiết.
Quá trình đóng băng bắt đầu từ những phần tinh khiết nhất và từ ngoài vào trong nên các tạp chất bị đẩy vào trung tâm và hình thành nên lõi trắng đục trong viên nước đá.
Chính vì nước đóng đăng từ ngoài vào trong nên đôi khi bạn sẽ thấy có những viên đã hình thành khối đá bên ngoài nhưng ở giữa vẫn là chất lỏng.
Ngoài ra, tủ lạnh làm giảm nhiệt độ của nước một cách nhanh chóng nên đã hình thành các bong bóng khí nhỏ (do không khí hòa tan trong nước) bị mắc kẹt trong lớp bằng và giống với các tạp chất, nó cũng bị đẩy về phía trung tâm của viên đá khi nước dần dần đóng băng.
Để các khối nước đá trong suốt, nhà sản xuất đá chuyên dụng thường dùng phương pháp đóng băng từng lớp ở tốc độ rất chậm.
Họ thường đặt nhiệt độ cao hơn nhiều so với tủ lạnh gia đình thông thường để tạo ra các cấu trúc tinh thể lớn và ngăn sự hình thành của các bong bóng khí nhỏ. Nếu có hình thành thì những bong bóng này cũng có thời gian để thoát ra khỏi viên đá.
Còn nếu bạn muốn làm ra những viên đá trong suốt ngay tại nhà, thì bạn có thể sử dụng nước đun sôi, và làm lạnh dần dần nhé!
Nguồn: Science ABC